Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên, Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: [email protected]
Biên tập: Văn phòng Họ Dương Việt Nam - Địa chỉ: Tòa nhà Câu lạc bộ Golf Long Biên, Khu Trung Đoàn 918, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội Điện thoại: 0243.526.5678 - Fax: 0243.699.3366 - Email: [email protected]
Đầu thập niên 1970, khi trào lưu phim chưởng Hồng Kông tràn vào, thị phần cải lương và thoại kịch đều sa sút, nhiều đoàn tan rã. Cầm cự được đến năm 1972 thì phải cho người ngoài mướn cảnh trí, phông màn, phục trang, ánh sáng... Tài tử trong đoàn được phép đi thâu dĩa, đóng phim kiếm kế sinh nhai. Nghệ sĩ Thanh Nga còn phải sang đoàn Dạ Lý Hương hát tạm, lúc rảnh thì quậy siro cho các cháu đi bán dạo kiếm thêm. Kép Hữu Thình và vợ Thanh Lệ lên Long Khánh mua bắp về bán theo kí. Nghệ sĩ Bảo Quốc và vợ Thu Thủy đẩy xe sinh tố vỉa hè.
Đoàn cũng cho phép nghệ sĩ Hữu Phước thuê xác gánh để lập đoàn Thanh Minh - Hương Lan, nhưng không trụ nổi ở Sài Gòn đành xuống Gò Công trương biển hiệu. Tuy nhiên, chỉ vài tháng đoàn này cũng rã.
Đoàn Thanh Minh - Thanh Nga cứ tồn tại lay lắt đến thời điểm 30 tháng 04. Khi chính quyền mới lên, đa số gánh hát miền Nam rã ngũ.
Tháng 08 cùng năm, Thanh Minh - Thanh Nga bất ngờ tái xuất tại rạp Hưng Đạo với tuồng Tấm lòng của biển, chỉ vài giờ đồng hồ đã bán sạch vé. Thanh Minh - Thanh Nga thời kì này trở lại là gánh hát có lượng khán giả quan tâm lớn nhất.
Năm 1976, đôi nghệ sĩ Phùng Há - Thanh Nga được chính phủ đặc cách mời ra Hà Nội tái diễn vở Phụng Nghi Đình[3] để chào mừng Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam IV.
Năm 1978, khi xảy ra Vụ án Thanh Nga, không khí trong đoàn tạm chùng xuống, tuy nhiên suất diễn vẫn không ngưng.
Năm 1979, do chính sách quốc hữu hóa doanh nghiệp và biểu diễn nghệ thuật, như mọi đoàn khác, Thanh Minh - Thanh Nga nằm dưới quyền quản lí trực tiếp của Sở Văn hóa Thông tin Thành phố với tên gọi Đoàn Nghệ thuật Cải lương Thanh Minh Thanh Nga. Sở cử cán bộ và kế toán về lo các khoản thu chi, phương thức hoạt động, bà Nguyễn Thị Thơ chỉ gánh phần chuyên môn.
Năm 1985, sau hai cái tang liên tiếp nữa, bà bầu Thơ nghỉ hẳn. Đến năm 1988 thì bà mất. Thời kì này, nhân sự đoàn chủ yếu là thân nhân trong gia đình.
Năm 1986, chính sách Đổi mới cho phép các tổ chức biểu diễn nghệ thuật tư lập cũ mới được tự do hoạt động. Thanh Minh - Thanh Nga đăng kí bảo hộ thương mại với danh xưng Đoàn cải lương Thanh Nga. Bấy giờ, mọi doanh thu đều dựa vào tên tuổi nghệ sĩ Bảo Quốc, người đang nổi với danh hiệu đệ nhất danh hài nhờ loạt kịch phẩm truyền hình Trong nhà ngoài phố.
Trong suốt thập niên 1990, Bảo Quốc là một trong những danh hài đắt sô nhất Việt Nam, góp mặt trong hàng ngàn băng từ, liên tục lên truyền hình và điện ảnh. Mặc dù chuyên đóng vai hề, nhưng khi ông vừa về Nhà hát Trần Hữu Trang đã lĩnh lương hạng A, tương đương mọi kép chánh. Đoàn Thanh Nga thời này hoạt động trầm hơn, nhưng nhiều tài tử trong đoàn trở thành tên tuổi được ưa chuộng và có mật độ xuất hiện trên băng đĩa rất lớn.
Nhưng sang thập niên 2000, khi phong trào cải lương lâm cảnh đắp chiếu, nghệ sĩ nhiều người phải bỏ nghề hoặc lấn sang địa hạt truyền hình. Sân khấu cổ truyền hầu như chỉ xuất hiện tại các hoạt động thiện nguyện hoặc lễ lạt, một loạt hình mới là tấu hài được coi như cứu vãn tạm thời.
Năm 2005, ông bầu Hữu Lộc lập Công ty Nụ Cười Mới, vinh danh được một số tài tử như Nhật Cường, Hoài Linh, Trường Giang, Chí Tài, Hứa Minh Đạt, Lâm Vỹ Dạ, Nam Thư, Tân Chề, Long Đẹp Trai, Quách Ngọc Tuyên, Hoàng Mèo, Đại Ngọc Trâm... Năm 2010, nghệ sĩ Hữu Lộc mất, nghệ sĩ Vũ Văn Long (Long Đẹp Trai) kế nhiệm chức giám đốc. Đến năm 2018, thì Nụ Cười Mới phải tuyên bố phá sản do nghệ sĩ gạo cội đi hết, vé bán ra không bù lỗ được.
Theo lời nghệ sĩ Bảo Quốc, ngày nay tuy đoàn vẫn hoạt động âm thầm nhưng phải chuyển hướng đa lĩnh vực để đảm bảo thu nhập cho nghệ sĩ và nhằm bảo lưu thương hiệu Thanh Nga[4].
Thanh Nga là một trong những cái tên sáng chói của nghệ thuật cải lương. Bà được mọi người ưu ái gọi là "nữ hoàng sân khấu", "nữ hoàng cải lương". Không chỉ thành công trong sự nghiệp, bà còn có gia đình hạnh phúc khi kết hôn với một người đàn ông toàn tâm toàn ý yêu thương mình, có một cậu con trai kháu khỉnh, đáng yêu.
Thế nhưng, cuộc đời người phụ nữ tài sắc này kết thúc trong bi kịch. Vợ chồng bà bị hai kẻ lạ mặt bắn chết ngay trước cổng nhà. Rất nhiều năm đã trôi qua nhưng khán giả vẫn chưa hết bàng hoàng và thương xót trước sự ra đi của họ.
Là con nhà nòi, Thanh Nga làm quen với nghệ thuật từ rất sớm. 10 tuổi, bà đã bắt đầu ca vọng cổ phụ họa trên sân khấu. 12 tuổi, bà vào vai bé Nghi Xuân trong vở Phạm Công - Cúc Hoa. 16 tuổi, bà trở thành ngôi sao sáng của sân khấu cải lương. Tên tuổi của bà gắn liền với những vở cải lương được xếp vào hạng kinh điển như: Tiếng trống Mê Linh, Nửa đời hương phấn, Phụng Nghi Đình, Thái hậu Dương Vân Nga....
Khán giả gọi Thanh Nga là nữ hoàng của sân khấu cải lương. Đến tận ngày nay, cách hát và phong cách biểu diễn của nữ nghệ sĩ này vẫn được coi là chuẩn mực để các thế hệ sau học tập.
Ngoài cải lương, Thanh Nga còn đóng phim và nhiều lần được tham dự các liên hoan phim quốc tế.
Không chỉ tài năng, Thanh Nga còn được đánh giá là đại mỹ nhân của Sài Gòn. Chính vì thế, bà luôn có rất nhiều người theo đuổi. Cậu Nghĩa - chủ hãng kem đánh răng lớn ở Sài Gòn khi ấy - vì muốn lấy lòng Thanh Nga mà tặng cây kem đánh răng cùng bàn chải cho tất cả khán giả tới rạp xem bà diễn.
Tuy nhiên, cách tán tỉnh của cậu Nghĩa không khiến trái tim nữ hoàng sân khấu cải lương rung động. Bà lại phải lòng người đàn ông luôn tặng cho minhf một nhánh hoa hồng trong suốt thời gian dài. Tuy nhiên, mối tình này chưa kịp nở đã tàn phai.
Cậu Ba Thành - con trai chủ báo Saigon Mới vì say Thanh Nga mà quyết lăng xê cho đoàn hát của bà. Người này cũng cho viết nhiều bài bài giới thiệu các vở diễn cũng như ca ngợi tài năng nổi bật của Thanh Nga. Thậm chí, cậu Ba Thành còn có ý định tặng Thanh Nga cả một rạp hát nhưng bị từ chối.
Thanh Nga kết hôn lần đầu vào năm 1967, nhưng cuộc hôn nhân này không kéo dài lâu. Sau đó, nữ nghệ sĩ tìm được hạnh phúc đích thực bên ông Phạm Duy Lân và có một con trai - Phạm Duy Hà Linh.
Kỳ nữ Kim Cương từng tiết lộ về mối tình si mà ông Duy Lân dành cho vợ: "Hầu như anh Lân tháp tùng bên cạnh vợ 24/24. Thậm chí, mỗi lần Thanh Nga tắm, anh ấy cứ đứng trước cửa nhà tắm chầu chực sẵn. Là bạn bè thân, chúng tôi thường trêu: 'Ông cứ đi đi, Thanh Nga nó ở trong nhà tắm thì ai mà bắt cóc được'. Anh Lân chỉ lặng lẽ nói: 'Đứng đây để tiện có gì Nga kêu còn nghe, chứ đi xa lỡ có việc gì Nga kêu không nghe'. Tôi chưa thấy người nào thương vợ như anh Lân”.
Vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga gặp bi kịch khủng khiếp vào ngày 26/11/1978. Tối đó, họ cùng con trai Hà Linh và vệ sĩ riêng vừa đỗ xe trước cổng nhà thì có hai kẻ lạ mặt xuất hiện. Chúng dùng súng ngắn khống chế vệ sĩ và vợ chồng bà với ý định bắt Hà Linh. Thanh Nga phản ứng dữ dội. Bà kiên quyết giấu con trai sau lưng rồi nằm đè lên để giữ tính mạng cho con. Không thực hiện được mục đích, hai kẻ đó giết chết vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga rồi lên xe bỏ trốn.
Khi bi kịch khủng khiếp xảy ra, Hà Linh mới 5 tuổi. Thế nhưng anh vẫn nhớ như in về cái đêm định mệnh đó. Khi đã trở thành người đàn ông trung niên, nhiều đêm Hà Linh vẫn mơ thấy mẹ và lần nào tỉnh dậy, anh cũng bật khóc.
Hai tên tội phạm bắn chết vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga bị kết án tử hình trong một phiên tòa diễn ra vào năm 1979.
Nhiều năm trôi qua, nhiều khán giả vẫn thương nhớ nghệ sĩ Thanh Nga. Bà xứng đáng là "nữ hoàng sân khấu", là tượng đài của nghệ thuật cải lương./.